Hướng Dẫn Bao Sái, Dọn Dẹp Ban Thờ Cùng Cúng Ông Công, Ông Táo cơ bản
( trong cùng 1 ngày )
Năm nay kết thúc 2022 bước sang 2023 có thể cúng Ông Công Ông Táo vào các ngày sau :
Ngày 13/1/2023 tức 22/12 năm nhâm dần. Nếu bạn thích cúng sớm.
Ngày 14/1/2023 tức 23/12 năm nhân dần. Nếu bạn thích cúng đúng ngày.
BƯỚC 1 : Dọn Dẹp Nhà Cửa
Lau dọn nhà cửa, ăn mặc chỉn chu.
Mở hết của sổ cửa phòng trong nhà cho không khí lưu thông, bật đèn điện cho sáng sủa. Khi nào lễ có thể mở thêm cửa chính.
Không mặc quần đùi áo phông, áo ba lỗ, áo 2 dây váy khi thực hiện khoá lễ.
Nếu nóng quá thì khi lau dọn nhà cửa có thể ăn mặc thoải mái.
Nhưng khi lau dọn bàn thờ, bao sái bát hương, thắp hương cúng kiếng thì nên ăn mặc quần áo dài.
người có thể lễ : bất kì ai cũng có thể lau dọn.
Nhưng việc thắp hương khấn vái, dâng lễ tốt nhất thì là chủ nhà. Nam nữ đều được.
Nữ thì tránh làm khi đến ngày.
Trong trường hợp bận rộn có thể nhờ bố mẹ, người thân, máu mủ lễ hộ.
Không nhờ bác hàng xóm, bạn bè cúng hộ
thời gian cúng : quan niệm dân gian, cúng lúc nào trong ngày cũng được, nhưng tốt nhất là sau 6g sáng ( khi mặt trời đã lên và hoàn thành trước 12g trưa khi mặt trời chính ngọ )
1 số quan niệm cúng cũ vào từ tối đến nửa đêm, cũng không sao cả.
BƯỚC 2: Lau Dọn Bàn Thờ
Chuẩn bị dung dịch lau dọn bàn thờ bao gồm
– cơ bản nhất : rượu gừng. ( nên dùng )
Gừng để vỏ, rửa sạch, giã nát.
Đổ rượu trắng vào ngâm 30′ là có thể sử dụng để lau dọn tẩy uế
Rượu gừng có thể dùng cho ban thờ quan thần linh, ban thờ gia tiên, ban thờ thần tài thổ địa, ban thờ táo công.
– nước cánh hoa hồng vàng ( tiếp lộc )
Mua 5 bông hồng vàng, tách cánh. Thả vào bát. Đổ nước sạch vào ngâm 30′
Nước cánh hoa hồng vàng dùng lau sau khi đã lau bằng rượu gừng. Để bàn thờ thêm thơm mát. Thêm lộc tài.
Nước cánh hoa hồng vàng cũng được dùng để lau ban thờ Phật trong trường hợp gia chủ kiêng không lau bằng rượu gừng
– nước ngũ vi hương tẩy uế
Đóng chai bán sẵn ngoài hàng. Tấm không dùng cái này do thích tự chuẩn bị hơn
sau khi đã chuẩn bị dung dịch lau dọn 30′. Dùng 1 lốc khăn mới, chưa dùng làm gì bao giờ. Thấm vào dung dịch rồi lau bàn thờ. Lau lại bằng khăn khô.
Nếu muốn dùng nhiều loại dung dịch vừa tẩy uế vừa tiếp lộc thì nhớ thứ tự :
Rượu gừng tẩy uế > khăn khô lau lại > nước hoa hồng vàng tiếp lộc > khăn khô lau lại
BƯỚC 3 : Bao Sái Bát Hương.
Trước khi bao sái thắp 3 nén hương khấn ngày lành tháng tốt, con xin phép được tân trang bao sái dọn dẹp lại ban thờ. Mong bề trên tạm lánh qua bên để vạn sự được an khang thanh tịnh.
Sau đó đợi hương tàn bắt đầu bao sái.
– nếu bát hương còn mỏng, chân nhang chưa đầy. Do mới chuyển về, mới lập bàn thờ hoặc mới bao sái không lâu.
Thì không nhất thiết phải bao sái. Có thể để nguyên bát hương như cũ. Chỉ cần lau là đủ.
Lấy tay trái giữ chặt bát hương. Tay phải cầm khăn thấm nước rượu gừng hoặc nước hoa hồng vàng ( cho bát hương thờ Phật ).
Lau nhẹ nhàng xung quanh bát hương.
Tránh xê dịch, tránh rụng quá nhiều tàn.
– nếu bát hương đã đầy.
Gia chủ ( nên là nam ). Nam đi vắng nữ mới làm.
Dùng 2 tay hạ bát hương xuống khỏi bàn thờ. Đặt lên 1 bàn cao đã để lót 1 mảnh vải đỏ hoặc vàng.
Sau đó rút tỉa chân nhang từng cái 1.
Để lại 3 hoặc 5 hoặc 9 chân nhang. Mang ý nghĩa kéo dài lộc từ năm cũ của năm mới
Tuyệt đối không đổ úp ngược bát hương xuống.
Tuyệt đối không để bát hương xuống đất hay sàn nhà.
Nếu tro quá đầy có thể dùng 1 cái thìa sạch ( thìa mới mua ) múc bớt tro ra.
Lấy khăn đã thấm rượu gừng hay nước hoa hồng vàng lau sạch bát hương. Cả xung quanh cả đáy. Sau đó an vị lại vị trí cũ. Cũng bằng 2 tay.
Chân nhang đã rút ra bọc lại đem đi hoá sau.
BƯỚC 4: chuẩn bị lễ tạ đất và cúng ông công ông táo
– cần hiểu tạ Đất là tại ban thờ nhà mình.
Cúng ông công ông táo tại trong bếp nhà bạn.
Vậy nên phải chuẩn bị 2 mâm lễ
Do trong bếp thường không có ban thờ nên có thể kê mâm lễ lên 1 cái mâm đặt lên ghế hoặc đặt mâm lễ cạnh bếp nếu đủ rộng.
Lau qua mâm hay mặt phẳng đặt lễ bằng rượu gừng.
– đồ mã cơ bản :
Lưu ý :nếu là người sống xa xứ, hoặc không có điều kiện chuẩn bị đồ mã, sớ thì cũng không cần thiết phải lo lắng.
Đàn sơ lễ mọn, nhưng tâm thành sống tốt thì cũng ổn thoả cả
Đàn to cỗ lớn, nhưng tâm ác sống hèn thì cũng không giải quyết vấn đề gì
Phật Thánh Gia Tiên bề trên không thiếu gì vài ba đồ mã, không chuẩn bị được cũng không sao.
bộ vàng mã : gồm 2 bộ quần áo có cánh chuồn cho 2 Ông Táo và 1 bộ quần áo k có cánh chuồn cho Bà Táo
sớ Ông Công Ông Táo : cái này khá quan trọng nhưng không bắt buộc
Nên tìm thầy viết sớ chữ nho chuẩn để viết – trong trường hợp không tìm đc thì cứ tìm thầy bất kỳ có thể tin tưởng.
Để thầy ngoáy 1 hồi rồi bảo thầy đọc lại tên tuổi địa chỉ – nếu không đọc lại đc giả tiền thầy rồi tìm thầy khác
tiền vàng tuỳ tâm , vàng nén vàng thỏi
( không khuyến khích hoá vàng quá nhiều, có là đủ lễ. Thiếu cũng không cần lo bị trách móc . Nhắc lại bề trên cõi giới cao không thiếu gì 3 bộ vàng mã cả )
3 con cá chép sống để Táo Quân cưỡi về trời hoặc thời nay update thêm cá giấy ( thực ra theo mình thì mình thích đi thả cá hơn )
( lưu ý : khi thả cá không vứt mạnh cá xuống hồ , rất dễ dập bụng mà chết , túi nilon cũng không nên vứt cả xuống – ô nhiễm sông hồ )
– đồ cúng cơ bản
Đồ cúng cần đủ 5 thứ sau :
Nến – để thêm lộc thêm lửa
Hương – để thắp nén tâm hương kết nối với thế giới tâm linh
Hoa – để mang hương thơm mát lành đến với gia đình, bậc bề trên
Quả – mang lại sự no đủ
Thực ( đồ ăn ) – để thụ lộc sau đó. Quan niệm cơ bản nhất. Trước cúng sau ăn. Lòng thành là được. Ăn gì thì cúng nấy. Muốn dâng gì thì chuẩn bị nấy.
chay thì gồm có : hương , hoa , nến , đèn , chè , thuốc , bánh kẹo , đĩa hoa quả tuỳ tâm, nước ngọt, nước trắng,
mặn thì bánh kẹo, xôi, gà , chân giò bánh chưng , bát canh măng nấm, rượu bia, thuốc lá, trầu cau
Bước 5 – Cách cúng
Xếp 2 mâm lễ ra. 1 mâm tại ban thờ, 1 mâm trong bếp.
Lễ tại ban thờ trước rồi vào bếp.
Thắp 3/5/7/9 nén hương , nhìn chung là số lẻ
sau đấy vái 3 vái , nếu không biết khấn có thể khấn theo bài Tấm viết dưới comment.
Sau đấy đợi hương tàn 2/3 thì xin phép hạ lễ hoá vàng ( do có quan niệm hơi cầu kỳ là khi hương còn đang cháy thì hoá vàng mới nhận đc , có nhà đợi hương tàn hẳn mới hạ lễ, thực ra mà nói cũng không sao )
vậy là hoàn thành.
******************************************
Lưu ý tổng quan :
Nhà mình hay ở thuê cũng có thể lễ. Nhưng không bắt buộc phải lễ. Lễ khi bạn muốn, chứ đừng cưỡng ép bản thân.
Nếu không có ban thờ, ta cúng trong bếp.
Nếu có ban thờ mà không muốn cầu kì chia 2 mâm lễ. Ta lễ chính tại ban thờ do có bát hương đầy đủ.
Khi đã thắp hương lưu ý quan niệm không xả nước khi đang lễ, tránh trôi lộc. Sau khi lễ xong dùng nước bình thường.
Khi lễ nên thắp nến cho soi sáng đàn lễ. Sau đấy thì có thể đợi nến tự cháy hết hoặc chủ động tắt nến. 1 số lão nhân cầu kỳ cho rằng không nên thổi nến ( do 2 quan niệm thổi thì bay mất lộc , hoặc quan niệm khác kiếp này thổi nến kiếp sau sứt môi )
Thay vì thổi nến có thể lấy 1 cái đĩa nhỏ úp ngược lên cốc nên để dập nến
khi khấn , nên khấn ra thành tiếng, không to quá không lẩm nhẩm, vì phải thành âm thanh thoát ra miệng thì mới dễ linh ứng
khi hoá vàng, hoá sớ đầu tiên, rồi đến quần áo, rồi đến tiền vàng, khi cời cho cháy nhanh không chọc mạnh kẻo rách đồ mã.
tuỳ theo vùng miền mà đồ mã có sự thay đổi khác, nhưng đồ mã chỉ là thứ yếu, không cần quá cầu kì.
khi thả cá. Thả nhẹ nhàng. Không vứt cá đùng xuống nước. Cá dễ dập bụng mà chết.
Không vứt cả túi nilon xuống nước, ô nhiễm môi trường.
Chân nhang và tro đem hoá là được. Đừng đổ hết xuống ao hồ. Truyền thống là nên giữ nhưng văn minh cần phải phát huy cho hợp thời đại.
cái cốt của việc lễ là sự trình lên của cái tâm gia chủ. Sai 1 chút cũng được, sót 1 tí cũng không sao. Quan trọng bạn đã lễ, bạn đã dâng trình lòng thành lên bậc bề trên. Vậy là đã đủ. Lòng thành bạn gửi vào vũ trụ bao la sẽ như tín hiệu khởi đầu và thu hút vạn điều tích cực từ các cõi giới cao hơn.
Vậy nên cứ thư thư mà làm, thong thả mà tận hưởng sự an yên từ khoá lễ